Dừng chương trình tuyển sinh khi chỉ mới vừa đạt 50% KPI. Liệu có thất bại không?
- Han Phi
- 2 days ago
- 4 min read
Làm kinh doanh, đặc biệt là với những ai đang tự xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực chia sẻ chuyên môn – đào tạo tự do, không thể lúc nào cũng kể mãi một câu chuyện đẹp đẽ, thành công rực rỡ, full slot, chốt đơn liên tục được.
Mình cũng là một người làm nghề, từng có những chương trình chạy “ngon ơ”, nhưng cũng có những lần phải đối mặt với... một quyết định khó nuốt: chủ động dừng tuyển sinh khi mới đạt 50% KPI.
Mình đã dừng một chương trình như thế – và đây là câu chuyện phía sau.
Năm đó, mình lên kế hoạch mở một lớp học chuyên đề nhỏ – chủ yếu dành cho những người đang trong giai đoạn cần “bước ngoặt” trong kinh doanh. Mình đầu tư bài bản: lên phễu nội dung, chia sẻ trải nghiệm, feedback cũ, thậm chí còn có quà tặng đi kèm. Mọi thứ ban đầu khá ổn, vài học viên cũ quay lại, một vài người mới bắt đầu hỏi han. Mình tưởng đâu sẽ đi đến đích, như bao lần khác.
Nhưng rồi, sau khoảng 2 tuần đầu chạy truyền thông, mình bắt đầu cảm nhận rõ một sự chững lại. Lượng inbox giảm, tỷ lệ quan tâm không tăng dù bài viết vẫn có tương tác. Nhiều người đọc – nhưng không đặt câu hỏi tiếp. Và bản thân mình – khi nhìn vào cảm giác của chính mình lúc đó – cũng cảm thấy... có gì đó sai sai.
Mình ngồi xuống, xem lại timeline, nội dung, nhu cầu thị trường và đặc biệt là tâm lý tệp khách hiện tại. Và rồi nhận ra: Thời điểm mình tuyển sinh quá dài. Mình nghĩ “để từ từ” sẽ giúp mọi người có thời gian quyết định. Nhưng thực tế là... mình đang khiến họ trở nên “chưa cần gấp”. Bản thân mình cũng rơi vào cảm giác bị “dài hơi” – như thể chạy full marathon 21km - mệt thở ra đằng tai.
Nhưng có phải mình dừng chương trình vì sợ không có ai đăng ký thêm?
Không. Thật lòng là không.
Mình không sợ không có học viên. Nhưng đâu đó có một nỗi sợ khác xuất hiện - nỗi sợ mà những người làm nghề nghiêm túc đều sẽ thường xuyên nghĩ về: Sợ sai thời điểm. Sợ không đúng nhịp thị trường.
Tại thời điểm mà chiến dịch tuyển sinh của mình mới đi được một nửa chặng, thì mình đã nhận ra thị trường đang có sự dịch chuyển. Mặc dù khách hàng không thay đổi nhu cầu đâu, nhưng thứ họ cần lúc đó là một kiểu tiếp cận khác đi!
Và mình biết, nếu mình cứ cố gắng đẩy một chương trình theo cách không phù hợp – thì chính mình sẽ bị mài mòn năng lượng, còn khách hàng, người theo dõi mình cũng không thật sự nhận được điều tốt nhất. Mình không muốn điều đó xảy ra.

Và mình đã quyết định dừng tuyển sinh.
Nếu hỏi mình có buồn không khi phải dừng tuyển sinh đột ngột như vậy. Thì câu trả lời là: Có!
Nhưng nó không phải là một nỗi buồn của việc dừng tuyển sinh khi chưa đủ KPI đề ra, mà buồn vì chưa thực hiện được các ý tưởng tâm huyết đã đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗi buồn thì mình còn cảm thấy biết ơn nữa. Biết ơn vì quyết định dừng đúng lúc. Với mình, đây là sự "thức thời" đầy may mắn - chứ không phải bỏ cuộc!
Thay vì cứ đi tiếp một con đường không chắc chắn, mình chọn kết thúc để có thời gian nhìn lại – phân tích – rút kinh nghiệm.
Mình nhận ra rằng: chương trình đó không sai. Mà chỉ là cách triển khai cần một chiến lược khác. Một kiểu “ra mắt” khác. Một điểm chạm đúng hơn với thị trường hiện tại.

Từ kinh nghiệm đó, mình áp dụng cách phân tích thị trường này cho mentee của mình.
Một bạn mentee của mình (gọi là D nhé), bạn ấy cũng rơi vào tình trạng tương tự. Khi mình nhìn thấy tình trạng tuyển sinh của bạn bị chững, tuyển sinh 2-3 tuần không có thêm bất cứ đăng ký mới nào (dù trước đó đã tuyển được 5 người rất nhanh). Mình khuyên bạn ấy dừng chương trình tuyển sinh, không cố đẩy theo kiểu cũ nữa, đổi sang chiến lược tiếp cận khách hàng kiểu khác, phù hợp nhu cầu thị trường và với tình trạng hiện tại khi thương hiệu đang cạn dần tệp khách hàng có sẵn. Và kết quả là lớp sau của bạn D đã có được thêm 8 học viên chỉ trong vòng 10 ngày. Không drama. Không “sale gấp”. Chỉ là đúng thời điểm – đúng thông điệp – đúng insight.
Vậy… dừng chương trình khi mới 50% KPI, có phải là thất bại không?
Có thể, với người ngoài nhìn vào, đó là “chưa thành công”. Nhưng với mình, đó là một quyết định có tính thức thời. Biết dừng đúng lúc, đôi khi còn quan trọng hơn là cứ cố gắng đi tiếp chỉ để “giữ thể diện”.
Làm kinh doanh, bạn không chỉ cần kỹ năng bán hàng. Bạn cần cả cảm nhận nghề – sự tỉnh táo – và bản lĩnh. Bản lĩnh ở đây chính là việc nhìn nhận đúng sai lầm của bản thân, không đổ lỗi, mà thay vào đó là tìm ra bài học, tìm ra giải pháp tốt hơn cho các lần sau!

Cuối cùng, ở đây mình có một vài lời nhắn cho bạn – người có thể cũng đang rơi vào tình trạng tương tự:
>>> Không phải mọi chương trình không đạt KPI đều là thất bại.
>>> Không phải lúc nào dừng lại cũng là bỏ cuộc.
>>> Đừng tự trách chính mình quá nhiều - hãy cố gắng tìm ra được 1 giá trị nào đó từ "đoạn đường ngắn" mà bạn vừa đi qua. Điều này hữu ích hơn nhiều lần việc cứ mãi gặm nhấm những điều bất như ý vừa qua!
Vì vậy, nếu bạn đang bối rối vì “muốn dừng mà không dám”, hãy tự hỏi:
Mình đang dừng vì sợ – hay vì đang đủ bản lĩnh để chọn lại một con đường đúng hơn?
Comments