Phân loại khách hàng theo giai đoạn phát triển: bí quyết để đạt KPI
- Han Phi
- Jul 9
- 4 min read
Updated: 2 days ago
Đa phần mọi người khi theo dõi Hân chắc cũng biết, Hân có những chương trình mentor 1-1, rồi group mentor – mà trong đó, học viên thì đủ kiểu, đủ dạng. Từ người mới toe, đến người đã kinh doanh được vài năm, ai cũng có những trăn trở riêng.
Vậy bạn có bao giờ tự hỏi: Hân làm thế nào để thu hút đúng tệp khách hàng của mình không? Làm sao mà mỗi lần mở đăng ký chương trình, KPI lại đạt đều, thậm chí nhiều khi vượt chỉ tiêu?
Đơn giản lắm: Hân không chạy theo số đông. Hân tập trung vào việc nhìn cho thật rõ khách hàng của mình là ai, họ đang đau ở đâu, và họ thực sự cần điều gì.
Ba kiểu khách hàng Hân thường làm việc cùng

1. Người không biết gì về kinh doanh dù đã có chuyên môn
Đây là nhóm khiến Hân “xót ruột” nhất. Họ giỏi nghề, kiến thức chuyên môn rất ổn, nhưng khi đụng vào chữ “bán” là bối rối.
Website không có - social có... như không - bởi, khi bắt đầu bán chuyên môn họ thường làm trên trang cá nhân, nhưng trang cá nhân thì nào giờ chỉ kết bạn với người quen bạn bè - những người mà chưa thực sự có nhu cầu hoặc thậm chí chẳng bao giờ ngó ngàng đến món hàng mà người này đang bán. Hoặc trang cá nhân chỉ có loe hoe vài bài viết ngắn/ chia sẻ gia đình/ chia sẻ ảnh cá nhân/ chia sẻ bài viết của page lớn/ của người khác... Vậy nên khách hàng thì toàn nhờ... ông trời gửi đến.
Nỗi đau của họ? Là cảm giác mình có giá trị nhưng không biết đưa giá trị đó ra ngoài sao cho người ta thấy mà mua. Họ chới với giữa chuyên môn và kinh doanh, cứ vậy họ loay hoay vùng vẫy một hồi... đứt hơi rồi... lặn mất.
Họ ngại bán, không biết bán, mới ra bán sơ sơ không có ai mua thì... cảm thấy "quê", cảm thấy nản, cảm thấy bán hàng là một cái gì đó "khổ tận cam lai".
2. Người đã đi được 6 tháng – 1 năm
Hân hay gọi vui nhóm này là “những chiến binh mệt mỏi”. Họ bắt đầu bằng sự hăng hái, làm mọi thứ theo bản năng. Nhưng sau 6 tháng – 1 năm, họ nhận ra mình đang kiệt sức: “Khách đâu không thấy, chỉ thấy mình quay cuồng trong công việc không đầu không đuôi.” Họ bắt đầu hoang mang: Không biết sai ở đâu. Không biết sửa từ đâu. Đụng đâu cũng thấy ngổn ngang. Thấy mình cũng "giỏi" như ai đó cùng ngách, mà sao người ta kiếm tiền được (thậm chí là nhiều), còn mình thì... vẫn "lên ổ voi, xuống ổ gà" hoài vậy.
3. Người đi từ 2 – 5 năm
Nhóm này nhìn ngoài thì tưởng ổn rồi. Nhưng sự thật bên trong, họ lại mang nỗi đau chững lại, không mở rộng được thị trường đúng với tiềm năng họ có. Họ đã có thu nhập, nhưng không tạo ra sự đột phá cả về thương hiệu lẫn doanh thu.
Doanh thu vẫn về nhưng không tăng trưởng nhiều, làm mãi vẫn thấy không có các cơ hội mới để bứt phá, cứ loay hoay trong guồng quay cũ. Họ cảm thấy mình “bị tắc nghẽn” mà không khơi thông được. Họ thấy mình như con Hamster trong vòng quay: chạy hoài mà chẳng tới đâu.
Lúc này, họ cần một người chỉ cho họ biết: Họ kẹt ở đâu trên hành trình phát triển.
Vì sao Hân phân loại được rõ như vậy?

Thực ra, không phải tự nhiên mà Hân “nhìn phát là biết” khách thuộc nhóm nào đâu. Mỗi phiên tư vấn 1-1, mỗi buổi zoom nhóm, Hân luôn lắng nghe rất kỹ, quan sát từng biểu hiện nhỏ của học viên.
Khách hỏi câu gì, giọng điệu ra sao, lo lắng điểm nào – tất cả đều là dữ liệu quý để Hân “soi” được đúng nỗi đau gốc rễ. Bởi nhiều khi, chính khách hàng còn không biết mình đang kẹt ở đâu, chỉ thấy… không ổn!
Và nhờ vậy, Hân có thể vẽ đúng hành trình khách hàng hay đi qua, từ đó xây chương trình theo từng giai đoạn để tuyển sinh đúng lúc, đúng người – KPI cũng từ đó mà về đều, không cần gồng.
Lời nhắn cho những ai đang làm kinh doanh

Lắng nghe và quan sát sâu là kỹ năng cực kỳ quan trọng, đặc biệt khi bạn không thể gặp khách ngoài đời mà toàn online, social. Vì nếu bạn không thấy rõ nhu cầu thật của họ => Bạn đang bán cái bạn nghĩ khách hàng cần - hay là thứ họ-thực-sự-cần?
Và rồi, khi khách hàng chưa hiểu mình, mà bạn cũng chưa hiểu họ, thì chuyện bán được hàng chỉ là may rủi thôi.
Sau giai đoạn định vị bản thân và hiểu rõ business của mình, xác định tệp khách hàng chính là bước quan trọng bạn cần làm. Đừng chỉ nhìn sơ sơ, đừng phỏng đoán qua loa rồi lao ra thị trường. Muốn kinh doanh phát triển, nhất định không nên “đốt cháy giai đoạn”. Chưa lẫy đã đòi bò. Chưa bò đã đòi ngồi. Chưa ngồi đã đòi đi… thì chỉ có đi vào lòng đất thôi.
Nếu bạn thấy mình đang ở đâu đó trên hành trình này, thử ngồi lại một chút, nhìn kỹ hơn xem mình đã hiểu khách hàng của mình chưa. Biết đâu, đó chính là điểm bạn cần chỉnh để KPI về đều và tự nhiên hơn.
Còn nếu bạn đã thử soi đi soi lại mà vẫn chưa rõ mình cần chỉnh gì, hoặc đang loay hoay giữa quá nhiều hướng đi – đừng ngần ngại kết nối với Hân nhé.
コメント